Hiện nay tình hình thời tiết có nhiều diễn biến cực đoan, khắc nghiệt, môi trường nước, không khí thường xuyên bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh nói chung và xã nhà nói riêng. Dự báo giai đoạn chuyển mùa trong tháng hiện tại và những tháng tiếp theo sẽ biến động mạnh, kết hợp với mưa lũ đầu mùa gây bất lợi cho thủy sản nuôi lồng bè trên sông. Thời điểm này hàng năm thường xảy ra biến động môi trường và gây thiệt hại cho thủy sản nuôi. Ðể chủ động trong sản xuất chăm sóc và quản lý tốt lĩnh vực nuôi trổng thủy sản trong điều kiện thời tiết không thuận lợi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra. UBND xã Nam Tân khuyến cáo các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy và các hộ nuôi trồng thủy sản trong đồng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản cụ thể như sau:
- Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch thủy sản theo quy định;
- Tăng cường bổ sung Vitamin C, khoáng, vi chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng để thích ứng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, môi trường và thời tiết nắng nóng dễ gây stress cho thủy sản nuôi;
- Khi nhiệt độ nước trên 350C hoặc thời tiết thay đổi đột ngột thì cần giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3-1/2 so với bình thường hoặc ngừng cho cá ăn.
- Tăng cường chuẩn bị sẵn máy bơm, sục khí, máy phát điện, nguyên vật liệu, thuốc xử lý để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu. Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường ao nuôi và lồng nuôi nhất là vào sáng sớm và chiều tối để phát hiện và xử lý kịp thời những biến động xấu.
- Có kế hoạch phòng bệnh cho từng đối tượng nuôi, lưu ý không lạm dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh chỉ dùng thuốc khi xác định rõ nguyên nhân và hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật; thuốc phải có trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Đối với nuôi ao:
+ Duy trì mực nước trong ao thấp nhất từ 1,5 m trở lên để hạn chế sự biến động của nhiệt độ, pH trong nước ao nuôi;
+ Nắng nóng kéo dài sẽ tạo điều kiện cho tảo phát triển mạnh, trong ao có hiện tượng cá nổi đầu do thiếu oxy vào ban đêm và sáng sớm. Do đó cần tăng cường sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước vào ban đêm, đặc biệt từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong ao.
+ Hàng tuần nên dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường giúp tăng cường các vi sinh vật có lợi trong ao phát triển, hạn chế sinh vật gây hại và giúp thúc đẩy quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ và giải phóng khí độc trong ao.
- Đối với nuôi lồng bè trên sông Kinh Thầy:
+ Thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng.
+ Khi mực nước trên sông giảm, cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5-3m; đồng thời dùng vôi bột hoặc viên sủi sát khuẩn cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi với liều lượng 50g/10 m3 lồng theo định kỳ 15 ngày/lần để phòng bệnh cho cá. Độ sâu treo túi vôi, viên sủi TCCA bằng 1/3-1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi.
+ Thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi, khi thấy nước đục, mầu nước biến đổi bất thường, cá kém ăn hoặc bơi lội chậm, nhao lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời tăng cường oxy và đảo nước.
+ Trong mùa mưa lũ, theo dõi sát sao tình hình thời tiết, chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt, bão, gió dật mạnh. Có phương án di chuyển vào các vụng rộng không có nước chảy siết khi có dự báo lũ lên cao, bão lớn.
+ Thu gom và xử lý cá chết theo quy định; không sử dụng cá bị bệnh chết để làm thức ăn cho đối tượng thủy sản khác.
+ Tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng.
Lưu ý hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
UBND xã đề nghị các hộ có nuôi cá lồng bè và nuôi trồng thủy sản trong đồng thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý cá nuôi góp phần hạn chế thiệt hại do thời tiết không thuận lợi gây lên cho cá nuôi và đạt hiệu quả cao trong sản xuất./.
BBT