ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM TÂN
ĐIỂM DU LỊCH CẤP TỈNH ĐỀN THỜ LONG ĐỘNG, XÃ NAM TÂN, HUYỆN NAM SÁCH
07/12/2022 04:09:01

 
Đền thờ Long Động (thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi) 
 

Khu di tích đền thờ Long Động (thờ danh nhân Kiến thuỷ Khâm văn minh hoàng đế Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi) và các bậc tiền nhân họ Mạc. Đền Long Động trước đây thời xa xưa còn gọi là đền Lũng Động, nôm gọi là đền Sách, dân gian gọi như vậy có lẽ là để mọi người dễ nhận ra ngôi đền thờ các vị đại nho họ Mạc.

  

Long Động nguyên là một xã có tên là Lũng Động, thuộc tổng Cao Đôi, huyện Chí Linh. Cuối thế kỷ XIX, các xã phía Nam Hà (hữu ngạn sông Kinh Thầy) của huyện Chí Linh đều bị cắt chuyển về huyện Thanh Lâm, trong đó có Lũng Động.

Tương truyền đền Lũng Động, sau đổi thành Long Động được xây dựng từ khi Mạc Đĩnh Chi qua đời (1346). Đền thờ 3 vị đại khoa họ Mạc của bản xã là Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quan và Mạc Đĩnh Chi. Theo các tài liệu lịch sử đã công bố và Tiên hiền bi ký của tổng Cao Đôi hiện còn ở đền thì: Mạc Hiển Tích là người xã Lũng Động, huyện Chí Linh (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách) sinh vào giữa thế kỷ XI. Khoa thi năm Bính Dần, niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 (1086), ông đỗ đầu tương đương Trạng nguyên các đời sau. Ông là người được chọn làm Hàn lâm học sĩ đầu tiên, làm viêc ở viện Hàn lâm, sau thăng lên Thượng thư. Ông có biệt tài về chính trị, từng đi sứ Chiêm Thành năm Hội Phong thứ 4 (1094). Hiện nay tại đền Long Động còn bia ghi sự tích về Mạc Hiển Tích.

Mạc Kiến Quan, em ruột của Mạc Hiển Tích, đỗ đầu khoa thi (Tiến sĩ thuỷ tuyển) năm Kỷ Tỵ (1089) làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công.

Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, ông sinh ngày 8 tháng 6 năm Nhâm Thân, đời vua Trần Thiệu Long (1272), tại làng Lũng Động, huyện Chí Linh, nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, ông mất năm 1346 thọ 74 tuổi. Ông sinh ra từ một gia đình nông dân nghèo, mang trong mình dòng máu nho sĩ, mồ côi cha từ buổi sơ sinh, từ thủa thiếu thời ông đã là một đứa trẻ thông minh. Đặc biệt lúc lên 4, lên 5 tuổi ông đã theo học một thầy đồ trong làng; nhà nghèo, vừa học, vừa phải kiếm củi nuôi thân, không có giấy bút phải dùng que viết xuống đất để học, không có đèn phải đốt củi để học; tài học và ứng đối của ông đã vượt xa những bạn bè cùng trang lứa; sách vở chỉ đọc qua đã thuộc lòng, sức học của ông đến thầy đồ cũng cảm thấy vốn chữ của mình không còn đủ để cho ông học, đành phải gửi ông sang một ông bảng nhãn ở làng bên mong ông tác thành giúp đỡ. Nhờ công lao dạy dỗ của những người thầy giàu lòng tâm huyết và tình cảm dạt dào của người mẹ thân thương cùng với lòng ham học và thiên tư khác người đã vun đúc lên một Mạc Đĩnh Chi có tài trí hơn người. Ông là người thông minh trác việt, nhưng người nhỏ bé, tướng mạo xấu xí. Khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), ông đỗ Trạng nguyên. Vua Trần Anh Tông có ý chê ông xấu, ông bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên để tự ví mình với cây sen. Vua Trần Anh Tông khen hay, cất nhắc lên làm Thái học sinh hoả dũng thủ sung nội thư gián.

 
 
Cổng làng Long Động 
 

Năm Hưng Long thứ 16 (1308), ông đi sứ nhà Nguyên bên Trung Quốc, do tài ngoại giao kiệt xuất và văn chương ứng đối kỳ diệu được vua Nguyên phong Lưỡng quốc Trạng nguyên năm 1313 và giữ chức Tả bộc xạ (tức quan Thượng thư), từ năm 1329 đến năm 1341 đời vua Trần Hiến Tông ông giữ chức Nhập nội đại hành hiển, Kiên trung thư, Chi quân trọng sự (tức là Đại niên mang).

Tính ông ngay thẳng, liêm khiết, được người đương thời trọng vọng, khâm phục. Sau khi về chí sỹ, ông mở trường dạy học. Buổi đầu dạy tại chùa Quất Lâm, sau dựng trường riêng, gần gò Hạc, tại xã Linh Khê, nay thuộc xã Thanh Quang, huyện Nam Sách. Những di tích chùa Quất Lâm, Gò Hạc - Văn chỉ Linh Khê vẫn còn. Đến cuối thế kỷ XVIII, khi tuyển chọn Chí Linh Bát cổ, di tích này được xếp thứ nhất, với tên gọi "Trạng nguyên cổ đường". Hiện nay ở Văn chỉ Linh Khê còn Bia Chí Linh bát cổ. Nơi dạy học sau thành cơ sở của Hội Tư văn và Tư võ của huyện. Đây chính là trường học đầu tiên của phủ Nam Sách. Trải qua nhiều biến cố, Trạng nguyên cổ đường bị hư hại, nay đã được khôi phục. Ông mất năm Bính Tuất, niên hiệu Thiệu Phong thứ 6 (1346).

Hằng năm đến ngày 10/2, các chi họ Mạc từ mọi miền đất nước lại trở về Long Động cùng nhân dân địa phương tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể tôn vinh công lao đóng góp của những danh nhân họ Mạc - tiêu biểu là Mạc Đĩnh Chi.

Năm 2004, tỉnh Hải Dương đã đúc tượng Mạc Đĩnh Chi để thờ trong Văn miếu Mao Điền. Tại Long Động, đền thờ, lăng mộ danh nhân từng bước được trùng tu, khôi phục.

Căn cứ vào giá trị lịch sử và văn hoá, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra Quyết định số 2233 ngày 26/06/1995 xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia đối với Đền Long Động.

 
 
Điện Sùng Đức, nơi thờ các bậc Thuỷ tổ họ Mạc 

Năm 2020, thể theo nguyện vọng của con cháu dòng học Mạc và du khách thập phương, UBND huyện Nam Sách đã quyết định nâng cấp lễ hội Đền Long Động trở thành lễ hội truyền thống cấp huyện; nhằm giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", tự tôn dân tộc; quảng bá giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội và di tích tới các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện.

 

TIN VÀ ẢNH: MẠC TỘC VIỆT NAM

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 06 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 760
Trước & đúng hạn: 760
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:11/06/2023 03:20:34)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NAM TÂN - HUYỆN NAM SÁCH

Trưởng Ban Biên tập: HOÀNG VĂN TOAN

Địa chỉ: Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương

Điện thoại: 0220.3794.283

Email: namtan.namsach@haiduong.gov.vn

Đang truy cập: 1
Hôm nay: 1
Tất cả: 49,846