Trong 3 ngày 28, 01, 02/3/2023 (Tức ngày mùng 9, 10 và ngày 11 tháng 2 năm Quý Mão) UBND huyện Nam Sách phối hợp với cấp ủy đảng chính quyền địa phương xã Nam Tân chuẩn bị tổ chức chu đáo, thành công về cả phần lễ và phần hội Lễ hội Đền Long Động năm 2023.
Năm 2019 Đền Long Động được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, và Ủy ban nhân dân huyện nâng cấp lên lễ hội cấp huyện. Sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, năm 2023 Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Nam Sách quyết định tổ chức Lễ hội truyền thống đền Long Động, dâng hương tưởng niệm 677 năm ngày mất của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1346-2023).
Để chuẩn bị cho lễ hội diễn ra trang trọng, chu đáo UBND huyện Nam Sách đã thành lập Ban tổ chức lễ hội để chỉ đạo điều hành các phần việc phục vụ cho lễ hội, phân công cụ thể các tiểu ban giúp việc từ trang trí khánh tiết, thành phần khách mời, nội dung, chương trình tổ chức lễ hội, công tác thông tin truyền thông, an ninh trật tự, công tác hậu cần được chỉ đạo kịp thời, nhịp nhàng...
Cùng với Ban tổ chức lễ hội của huyện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Nam Tân, các ban nghành đoàn thể và nhân dân đã hưởng ứng với tinh thần cao nhất hướng về lễ hội từ công tác giải phóng mặt bằng khu đỗ xe của lễ hội với tổng diện tích 9000 m2- tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng, phối hợp với Phòng văn hóa thông tin huyện tu sửa 2 biển quảng bá, căng 5 băng zôn khẩu hiệu, 30 baner quảng cáo, 200 cờ hồng kỳ, 176 cờ thần từ đầu đường quốc lộ 37 về đền Long Động.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được các tổ chức, nhân dân, các cháu học sinh thường xuyên hưởng ứng tạo không khí trong lành, môi trường luôn sáng xanh, sạch đẹp dịp lễ hội.
Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, thường xuyên tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để nhân dân trong xã nắm được.
Đối với cơ sở thôn Long Động, sau khi có kế hoạch tổ chức lễ hội, Chi ủy, chi bộ, Quân dân chính đã vào cuộc tích cực đảm nhiệm các phần việc được phân công, phối hợp nhịp nhàng với Ban tổ chức lễ hội chỉ đạo các phần việc giúp cho ban tổ chức hoàn thành các nội dung chương trình chuẩn bị cho lễ hội đã đề ra.
Sáng ngày mùng 10 tháng 2 năm Quý Mão, lễ hội chính thức được khai mạc và được đón tiếp trên 1.000 lượt khách mời từ trung ương, tỉnh, huyện, các xã trong huyện, con cháu họ Mạc, gốc Mạc trong nước và nước ngoài, các du khách thập phương.
Dự lễ khai hội về phía tỉnh có đồng chí Đồng chí Lê Văn Hiệu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị kết nghĩa với huyện Nam Sách đã về dự lễ khai hội.
Đại biểu huyện có các đồng chí: Dương Văn Xuyên – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Lê Quang Thụ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Hồ Ngọc Lâm – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí nguyên Thường trực Huyện ủy đã nghỉ hưu qua các thời kỳ và chuyển công tác; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND; lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của huyện; Ban liên lạc Hội đồng hương huyện Nam Sách tại các tỉnh; đại diện các công ty, doanh nghiệp, các trường học trên địa bàn huyện.
Cùng dự lễ khai hội có các thành viên Hội đồng Mạc Tộc Việt Nam cùng các con cháu họ Mạc, gốc Mạc trên cả nước và đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Tại buổi lễ khai mạc Đồng chí Hồ Ngọc Lâm – Chủ tịch UBND huyện đã đọc diễn văn tưởng niệm và khai hội, trong đó khẳng định: Đền Long Động – nơi thờ 3 danh nhân khoa bảng hàng đầu đất Việt, đó là: Thủ khoa Minh kinh bác học Mạc Hiển Tích, đỗ đầu tại khoa thi năm Quảng Hựu thứ 2 (Bính Dần 1086) tương đương Trạng nguyên; được chọn làm Hàn Lâm học sỹ, sau thăng lên Thượng thư bộ Lại, là người có biệt tài về chính trị, từng đi sứ Chiêm Thành năm Hội Phong thứ 4 (1094). Tiến sĩ Mạc Kiến Quan (em ruột của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ khoa thủ tuyển (năm Kỷ Ngọ 1089) làm quan đến chức Thượng thư bộ Công. Lưỡng Quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (đời thứ 5 của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích) thi đỗ Trạng nguyên năm Giáp Thìn (1304), đời vua Trần Anh Tông.
Với những giá trị lịch sử văn hóa, năm 1995, Đền Long Động được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm 2019, Đền Long Động được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Lễ hội Đền Long Động được tổ chức vào mùa Xuân (từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch) để tưởng nhớ ngày Mạc Đĩnh Chi qua đời vào ngày 10 tháng Hai năm Bính Tuất (1346). Lễ hội mang đậm nét giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc.
Sau diễn văn khai hội, đồng chí Dương Văn Xuyên – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã gióng trống hội, đồng chí Hồ Ngọc Lâm – Chủ tịch UBND huyện đã thỉnh chiêng khai hội truyền thống Đền Long Động. Ông Thái Mạc Khắc Việt – Chủ tịch Hội đồng Mạc Tộc Việt Nam tuyên đọc chúc văn.
Tiếp đó đồng chí Lê Văn Hiệu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, con cháu họ Mạc, nhân dân và du khách thập phương đã dâng hương tại Đền Long Động, Điện Sùng Đức và Lăng Quan Trạng.
Đan xen với các nghi thức phần lễ, Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị chu đáo phần hội như tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ các đại biểu, du khách thập phương, con cháu về dự lễ hội, tổ chức các trò chơi dân gian như cờ tướng, bịp mắt bắt vịt, đập liêu, bao bố, giao hữu bóng đá, bóng chuyền.... tạo khí thế phấn khởi, vui tươi trong những ngày diễn ra lễ hội.
Về nghi thức rước kiệu trong lễ hội năm nay Ban tổ chức cũng đổi mới cho đúng với thuần phong mỹ tục. Sáng ngày mùng 9 làm lễ cáo yết xin rước kiệu đón các cụ về dự lễ hội và chiều ngày 11/02 tổ chức rước các cụ về Lăng quan trạng yên vị.
Qua thời gian chuẩn bị tích cực, chu đáo, sự vào cuộc lỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện, xã, các thôn và con em họ Mạc, nhân dân thôn Long động, Lễ hội đền Long Động đã diễn ra thành công tốt đẹp.
TIN VÀ ẢNH: CTV